Chi tiết bài viết

Yến sào Gò Công – thương hiệu của tương lai



Ngày đăng: 21/11/2017

Vùng Gò Công (bao gồm thị xã Gò Công và 2 huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây) từng được biết đến với các loại sản vật nổi tiếng như dưa hấu, sơ ri... Gò Công cũng là nơi sinh ra nhiều người đẹp làm hoàng hậu như bà Từ Dũ, bà Nam Phương Hoàng Hậu. Gần đây, ở Gò Công bắt đầu xuất hiện 1 loại sản vật “vương giả” khác mà nhiều người tin nó sẽ là đặc sản của Gò Công trong tương lai, đó là yến sào (tổ yến).

Đất lành chim đậu

Xã Long Bình (huyện Gò Công Tây) hiện có nhiều hộ nuôi chim yến nhất vùng Gò Công, tổng cộng gần 20 hộ. Bà con ở đây cho biết, chim yến bắt đầu đến làm tổ ở xã Long Bình vào đầu thập niên 1970. Một hôm, gia đình ông Lê Thành (ấp Khương Ninh) bỗng thấy loại chim lạ vào làm tổ trong nhà mình, nhưng không ai biết đó là loài chim yến mà tổ của nó (yến sào) có giá đắt như vàng. Vì không biết giá trị của nó, nên chủ nhà chỉ để nuôi cho vui, chứ không khai thác huê lợi. Về sau căn nhà này được bán cho ông Mười Thiết và chính ông mới phát hiện và tìm cách nuôi chim yến trong nhà vào năm 1990.

Từ hộ ông Mười Thiết, nghề nuôi yến được truyền sang hộ ông Nguyễn Văn Dành – anh vợ ông Thiết – và lên đến mấy chục hộ trong xã Long Bình như hiện nay. Nghề nuôi yến cũng truyền sang các xã khác của huyện Gò Công Tây, sang huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Yến sào Gò Công bắt đầu có vị trí trên thị trường. Năm 2006, Cty Yến sào EKa ở TPHCM đã đến Gò Công Tây mua đất cất nhà để nuôi yến, nghề nuôi yến bắt đầu được chuyên nghiệp hóa, đầu tư quy mô, bài bản hơn. Những ngôi nhà tiền tỉ được  xây 4 tầng có chừa lỗ cho yến vào kèm theo những thiết bị hiện đại như máy phun sương, máy phát âm dụ yến... xuất hiện ngày càng nhiều ở Gò Công.

Ông Mười Thiết cho biết, hiện giá bán tổ yến Gò Công hàng thô trên thị trường khoảng 35 triệu đồng/kg. Nếu chế biến sạch, giá bán khoảng 50 triệu đồng/kg. Giá này vẫn còn thấp hơn giá tổ yến Khánh Hòa khoảng 20%, nhưng ông Thiết tin tưởng với tay nghề ngày càng nâng cao, đầu tư ngày càng đúng chuẩn, chất lượng tổ yến ở Gò Công sẽ ngày càng được nâng lên.

Một ngôi nhà xưa ở Gò Công cũng được tận dụng để nuôi yến.        Ảnh: K.Q
Một ngôi nhà xưa ở Gò Công cũng được tận dụng để nuôi yến. Ảnh: K.Q

Con đường còn dài

Theo khảo sát của ngành tài nguyên – môi trường tỉnh Tiền Giang, thì vùng ven biển Gò Công có khí hậu thoáng đãng, trong lành, phong phú phù du và côn trùng. Những yếu tố “đất lành” đó đã dẫn dụ chim yến tìm đến sống, làm tổ. Chim yến Gò Công nhỏ nhưng khỏe, bay cao, đi kiếm ăn xa.

Mỗi năm chim đẻ 3 lần, mỗi lần 2 trứng. Hiện ở Gò Công có 2 mô hình nuôi chim yến: Nuôi tự nhiên và dùng phương pháp dẫn dụ. Nuôi tự nhiên là tạo môi trường thân thiện, thuận lợi để chim yến tự tìm đế sống, làm tổ. Còn nuôi dẫn dụ là dùng các phương tiện kỹ thuật hiện đại để gọi dụ bầy chim yến về. Nhiều ngôi nhà được xây dựng và trang bị phương tiện tiền tỉ để dẫn dụ chim yến.

Tuy nhiên, số trường hợp “dụ” yến thành công hiện cũng chỉ hơn 50. Vì vậy, ai “dụ” yến thành công, người đó làm giàu nhờ tổ yến có giá rất cao, còn ai không “dụ” được yến thì chỉ có nước sạt nghiệp vì nhà xây cho yến “ở” không thể chuyển qua mục đích khác, hoặc phải đầu tư sửa chữa rất tốn kém.

Mọi chuyện vẫn chỉ mới bắt đầu, phía trước là con đường còn dài cho nghề nuôi yến ở Gò Công. Tương lai của ngành nghề độc đáo này ở Gò Công sẽ sáng sủa hơn khi Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp cùng góp sức với người nông dân Gò Công để phát triển nghề nuôi yến.

Kỳ Quan



Bài viết liên quan